Năm 1997, Bình Phước chính thức được tách ra từ tỉnh Sông Bé (cũ), trong vô vàn khó khăn, nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông - lâm nghiệp (chiếm trên 70%), công nghiệp, thương mại - dịch vụ rất thấp; kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ. Di dân tự do ngày càng đông, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20%, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Thu ngân sách nhà nước chưa đầy 200 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ các sở, ban, ngành cấp tỉnh thiếu một cách trầm trọng. Tỉnh có đường biên giới dài hơn 260km, tiếp giáp Vương quốc Campuchia, nên có một số khó khăn nhất định trong công tác quản lý biên giới.

Với quyết tâm “phải đưa Bình Phước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn dân ra sức nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đưa tỉnh nhà từng bước hội nhập và phát triển.

Kết quả, sau 23 năm tái lập, tỉnh Bình Phước đã đạt được những thành tựu vượt bậc: GDP bình quân đầu người tương đương với bình quân cả nước ở thời điểm hiện tại; tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 chỉ còn 2,56% so với khoảng 4% của cả nước. Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, tốc độ tăng trưởng về dân số, khả năng tạo việc làm, nguồn thu ngân sách và GDP của Bình Phước cao hơn so với bình quân của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước luôn duy trì ở mức cao, năm 2019 đạt 8,48% so với năm trước và cao hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước; quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, năm 1997 khi mới tái lập chỉ có trên 1.300 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên gần 40 nghìn tỷ đồng, tăng trên 30 lần. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 62 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với khi tái lập tỉnh.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, năm 1997: tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm tới 70,6%, công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 6,9%, dịch vụ chiếm 22,5% thì đến năm 2019: nông - lâm - thủy sản chỉ còn lại 20,47%, công nghiệp - xây dựng tăng lên 38,62% và dịch vụ chiếm tới 36,52%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng hơn 40 lần so với năm mới tái lập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu trồng rau thủy canh tại Trung tâm giống Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Bình Phước năm 2018. Ảnh: Phúc Lập.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2019 đạt gần 52 nghìn tỷ đồng, tăng trên 42 lần. Thu ngân sách nhà nước có sự bứt phá đi lên, năm 2019 vượt mốc 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 52 lần so với khi mới tái lập tỉnh.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là hệ thống giao thông, thông tin liên lạc và điện lưới quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 500 tuyến đường, với chiều dài hơn 8.000 km, trong đó Quốc lộ 13, 14 đã nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa đạt 100%; đường tỉnh quản lý nhựa hóa đạt gần 100%. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, 100% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm, tỷ lệ hộ có điện đạt trên 98%. Năm 2019 đã có thêm 13 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số lên 48 xã. Ngoài ra, có 3 đơn vị là: thành phố Đồng Xoài và thị xã: Phước Long, Bình Long đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Những định hướng cho một “Điểm đến hấp dẫn”

Bình Phước đã mời các nhà tư vấn có uy tín của Đại học Fulbright do Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam làm tổ trưởng để tư vấn xây dựng đề án “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đánh giá các nền tảng kinh tế, năng lực cạnh tranh, các cơ hội đối với Bình Phước. Đề án này cũng được sự tham gia góp ý và phản biện của những nhà khoa học có uy tín, đặc biệt là PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Và từ đó, những định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Bình Phước đã được xác định. Với mục tiêu xây dựng Bình Phước trở thành một “Điểm đến hấp dẫn” trong thời gian ba thập kỷ.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường trên thế giới.

Một góc TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước hôm nay. Ảnh: Phúc Lập.

Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước được đặt trong bối cảnh phát triển của trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước; chuyển từ vị trí “dự trữ” thành một động lực tăng trưởng và phát triển cho cả vùng bằng công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhằm nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, giá trị các chuỗi giá trị và cụm ngành của cả vùng - tốc độ đô thị hóa là chỉ báo cho sự thành công. Theo đó, thứ tự ưu tiên phát triển đến giai đoạn 2030 - 2035 là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; sau đó sẽ là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.

Công nghiệp hóa nông nghiệp tạo ra sự dịch chuyển lao động từ nuôi trồng sang công nghiệp và dịch vụ; phát triển các cụm ngành sản phẩm mang tính chiến lược với trọng tâm là các khâu chế biến và dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với việc làm ổn định cho người dân.

Mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Bình Phước hướng đến phát triển bền vững bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với các chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng; ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực lợi thế của tỉnh, phát triển các trung tâm đô thị và hành lang phát triển gắn với các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ những người yếu thế, khuyến khích họ vươn lên và tăng cường tình hữu nghị với các tỉnh biên giới của Campuchia. Nắm bắt các cơ hội, gắn với tình hình trong nước, thích ứng với các biến động và rủi ro có thể xảy ra.

Bình Phước phấn đấu trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút việc làm thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Để đến năm 2050 trở thành địa phương dẫn đầu trong nhóm khá của cả nước và trở thành một trong những động lực cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nói riêng, và cả nước nói chung; trở thành miền đất hứa cho các doanh nghiệp đến tổ chức các hoạt động kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận, góp phần làm giàu cho xã hội; tạo dựng môi trường để những người có khả năng phát huy trí tuệ đạt được các mục tiêu của họ và tạo ra các lợi ích cho xã hội. Các chính sách an sinh xã hội tập trung vào tính hiệu quả vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam