Trong một chuyến thám hiểm tới cao nguyên Andean ở Peru, các nhà cổ sinh vật học từ Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (STRI) phát hiện ra hóa thạch thực vật hiếm, ước tính khoảng 10 triệu năm tuổi. Thân cây bị chôn vùi ngay sát mặt đất tại một cánh đồng cỏ lạnh giá, cùng với hàng trăm mẫu gỗ, lá và phấn hoa khác.

Cụ thể, theo phân tích giải phẫu cho thấy chúng rất giống với các mẫu cây thân gỗ trong rừng nhiệt đới thấp hiện nay. Cao nguyên Andean vào thời điểm đó có lẽ chỉ cao khoảng 2.000 m so với mực nước biển. Ngày nay, khu vực này đã được nâng cao tới 4.000 m.

Thân cây hóa thạch bị chôn vùn dưới một thảm cỏ. Ảnh: Rodolfo Salas Gismondi. Ảnh: internet.

"Hồ sơ hóa thạch mà chúng tôi thu thập được tiết lộ rằng khi những cây này còn sống, hệ sinh thái tại cao nguyên Andean ẩm ướt hơn nhiều so với ngày nay. Có lẽ không có hệ sinh thái cao nguyên hiện đại nào có thể so sánh được", Tiến sĩ Camila Martinez, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh.

"Hóa thạch trong khu vực cho chúng ta biết cả độ cao và thảm thực vật đã thay đổi đáng kể trong một thời gian tương đối ngắn, ủng hộ giả thuyết rằng cao nguyên Andean đã được nâng lên nhanh chóng bởi vận động kiến tạo", trưởng nhóm Carlos Jaramillo từ STRI nói trong một báo cáo.

Hình ảnh nhà cổ sinh vật học Edwin Cadena chụp hình bên thân cây khổng lồ. Ảnh: internet.

Trong đó, sự nâng lên của cao nguyên Andean đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình khí hậu của Nam Mỹ. Các chuyên gia dự đoán vào cuối thế kỷ này, những thay đổi về nhiệt độ và nồng độ CO2 trong khí quyển sẽ lại xấp xỉ với các điều kiện của 10 triệu năm trước.

Do đó, hiểu được sự khác biệt giữa các mô hình khí hậu và dữ liệu trong hồ sơ hóa thạch sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ các động lực kiểm soát khí hậu hiện tại trên dãy Andes, cũng như trên khắp lục địa Nam Mỹ.

Theo Công Luận