Giảm lượng muối là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm huyết áp cao, cải thiện sức khỏe. Ảnh: Dailymail.

Theo Bộ Y tế, tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch.

Ăn nhiều muối là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ năm người trưởng thành thì có một người mắc. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm.

Số liệu cho thấy, các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong toàn quốc. Trong khi đó, trên thế giới đa số những người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.

Trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được quản lý điều trị theo quy định.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để dự phòng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Đồng thời, truyền thông giảm lượng muối khẩu phần ăn trong các cuộc họp của cộng đồng và trong trường học; tư vấn các biện pháp giảm ăn muối cho người bệnh đang được quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại các cơ sở y tế.

Người dân thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt ở người trên 40 tuổi.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), người lớn nên tiêu thụ ít hơn 5g (chỉ dưới một muỗng cà phê) muối mỗi ngày. Tất cả các loại muối được tiêu thụ nên được bổ sung i-ốt hoặc bổ sung bằng i-ốt, cần thiết cho sự phát triển não bộ khỏe mạnh ở thai nhi và trẻ nhỏ và tối ưu hóa chức năng tinh thần của mọi người nói chung.

Các quốc gia thành viên của WHO đã đồng ý giảm 30% lượng muối ăn trong khẩu phần ăn của dân số toàn cầu vào năm 2025

Theo Nông Nghiệp Việt Nam