Suốt những năm qua, dù điện ảnh và truyền hình phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều phim hơn, nhưng kịch bản hay chúng ta vẫn thiếu. Công bằng mà nói, để cổ vũ các tác giả kịch bản, cách đánh giá xếp loại cũng cần có những góc nhìn mới, rộng mở và nhiều “dũng khí” hơn.

10 năm loay hoay, kịch bản phim vẫn yếu và thiếu

Sau 10 năm, Cục Điện ảnh mới tổ chức lại cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: "Theo kế hoạch năm do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phê duyệt cho cục không có cuộc thi này. Cục đã rất cố gắng để tổ chức cuộc thi bởi kịch bản là vấn đề quá cấp bách của điện ảnh".

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, Cục Điện ảnh từng tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ phim "Long thành cầm giả ca" được sản xuất từ kịch bản của tác giả Văn Lê nhận giải nhất cuộc thi này. Phim do Đạo diễn Đào Bá Sơn thực hiện với sự tham gia diễn xuất của Quách Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh từng được giới chuyên môn đánh giá tốt đúng dịp chuẩn bị Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhưng gần như chỉ chiếu cho khách mời, không có sức hút bán vé.

Đến năm 2015, Cục Điện ảnh tổ chức với hình thức trại sáng tác kịch bản. Kịch bản được lựa chọn từ trại sáng tác để Nhà nước cấp kinh phí sản xuất là "Người yêu ơi" (tác giả Đỗ Bích Thúy) được giao cho Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện. Hiện tại, Cục Điện ảnh đã duyệt 2 kịch bản Nhà nước cấp kinh phí sản xuất vào năm 2021 là "Hồng Hà nữ sĩ" nói về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và "Phơi sáng" có đề tài chống tham nhũng.

Mỗi năm, số lượng phim điện ảnh được sản xuất khá nhiều, tuy nhiên kịch bản mua bản quyền làm lại cũng tương đối, các phim ra rạp đa phần do các hãng sản xuất tư nhân đầu tư. Vài năm gần đây, sự vắng bóng của các đơn vị sản xuất Nhà nước thể hiện rất rõ qua các kỳ liên hoan và giải thưởng: Phim tư nhân chiếm đa số.

Phim muốn hay, muốn có sức hút, trước tiên phải dựa vào kịch bản. Nhưng kịch bản vẫn là "vùng trũng" với hầu hết các nhà sản xuất phim. Những trào lưu: Việt hóa phim nước ngoài, chuyển thể kịch bản từ kịch, sách… là tất yếu khi chính chúng ta thiếu kịch bản phim hay thực sự. Và những cuộc thi sáng tác kịch bản có thể xem là một giải pháp. Bằng chứng là, trong lần thứ 2 tổ chức, 5 kịch bản xuất sắc nhất của cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng" đã được các nhà sản xuất lớn: Thiên Phúc Production, A Type Machine, Yeah1 CMG, Live On quan tâm và ký biên bản thỏa thuận hợp tác ngay sau lễ trao giải. Thậm chí, có kịch bản còn được nhiều đơn vị cạnh tranh vì nhận định đó là những ý tưởng có tính khả thi cao để đưa vào sản xuất.

tim kich ban hay cho phim viet can dung khi de so bo dua chon cot co
"Long thành cầm giả ca" từng là phim được sản xuất từ kịch bản được giải cách đây đã 10 năm nay, Cục điện ảnh mới lại tiếp tục tổ chức cuộc thi quy mô về kịch bản lần nữa. Ảnh: Đoàn làm phim

Đừng "gò" mình theo những khuôn có sẵn

Dẫu biết sự cần thiết của các cuộc thi sáng tác kịch bản, nhưng không ít đạo diễn, nhà biên kịch cho rằng, các cuộc thi cần thay đổi tiêu chí cho một kịch bản hay, mà nhiều khi cái cần nhất là "’dũng khí", sự "mạnh dạn" của chính những người cầm cân nảy mực.

"Tôi vẫn rất e ngại ban giám khảo thấy kịch bản hay nhưng chỉ vì hơi nhạy cảm đã sợ và gạt đi", đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ trong lễ phát động cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020". Đây có lẽ cũng là băn khoăn của rất nhiều người trong cuộc. Bởi không nhìn đâu xa, các phim điện ảnh độc lập như "Ròm", "Cha cõng con"… đều được thai nghén kịch bản một thời gian rất lâu, sau khi sản xuất xong, nhà làm phim còn năm lần bảy lượt qua cửa duyệt, cân nhắc cắt các phân đoạn này, phân đoạn kia theo đúng yêu cầu mới được cấp phép ra rạp.

Chưa kể, chính đạo diễn Nhuệ Giang cho biết, chị nhận thấy từ lâu các hội đồng thẩm định kịch bản của các cơ quan Nhà nước đã bị sa vào lối mòn: "Có những phim có đề tài tốt nhưng tiếc là nghệ thuật viết kịch bản thấp, câu chuyện hơi nhạt. Với những giám khảo an toàn, họ sẽ có xu hướng chọn kiểu kịch bản dạng này".

Chưa kể, nhìn từ các cuộc thi sáng tác kịch bản trước, nội dung các kịch bản dự thi vẫn xoay quanh nhiều chủ đề đã cũ: Chiến tranh, hậu chiến, lịch sử, dã sử… trong khi đó, yêu cầu của điện ảnh kể cả thị trường, kể cả nghệ thuật để đi dự thi các LHP quốc tế bây giờ đã rất khác. Hãy lấy "Parasite" (Ký sinh trùng) – phim đại thắng Oscar của điện ảnh Hàn Quốc là một ví dụ. Trước tiên, đó là một đề tài đương đại, đời thường, không nói những chuyện đao to búa lớn.

Sau đó, kịch bản và khuôn hình không thiếu dụng ý nghệ thuật, những bậc cầu thang, những cái nhăn mũi… đan cài vào đó nhiều dụng ý, nhưng dễ hiểu. Sau đó nữa, phim nói tiếng Hàn, văn hóa bản địa sâu sắc, những yêu cầu tiếng Anh – vốn trước nay chúng ta vẫn nghĩ rằng là lợi thế khi ra thế giới -  gần như đã không còn quan trọng. Và thêm nữa, đó là một kịch bản không khuôn mẫu, không cứng nhắc, luôn có yếu tố bi, hài đan xen. Điều mà các kịch bản của chúng ta lâu nay hay vướng phải là sự "cứng nhắc", đến cả dụng ý đưa vào trong từng câu thoại cũng cứng nhắc và nặng nề.

Vì thế, để tìm một kịch bản hay, người viết cần nhiều hơn ở "dũng khí" dám làm mình khác biệt, từ bỏ những khuôn mẫu cũ. Còn người chấm, lại cũng cần "dũng khí" để chấp nhận nhưng khác biệt, để chọn được kịch bản hay trong hàng lớp lớp những kịch bản an toàn, có như vậy, thì những cuộc thi lựa chọn kịch bản mới đúng với mục đích ban đầu đặt ra, và quan trọng hơn, chúng ta có kịch bản hay để thúc đẩy phim nội.

Theo Pháp Luật Xã Hội