Bà Hoàng Thu Nga vốn là một nhà đầu tư có tiếng trong giới "lướt sóng" bất động sản. Nhưng từ khi Codotel “thất thủ” vì pháp lý chưa rõ ràng, bà đành chuyển sang kinh doanh mô hình Farmstay với hy vọng sẽ tìm được cửa đầu tư bớt mạo hiểm hơn.

Tương lai Farmstay có giống "người anh" Condotel?

Theo bà Nga, Farmstay là loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới xuất hiện trong vài năm gần đây. Mô hình này kết hợp trang trại sản xuất nông nghiệp với kinh doanh lưu trú để khách du lịch trải nghiệm các hoạt động ở nông thôn.

Tuy nhiên, theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Farmstay cũng chỉ là hình thức kinh tế chia sẻ, tính pháp lý chưa rõ ràng. Cũng như Condotel, farmstay rất cần khung pháp lý cho mô hình kinh tế này.

Do đó, GS Võ cũng không thể có lời khuyên cho khách hàng có nên đầu tư hay không mà chỉ đưa ra lưu ý điều trước tiên, khách hàng phải tìm hiểu chủ đầu tư có uy tín, năng lực không? Lợi nhuận ra sao, đầu tư sẽ được gì và mất gì. “Đây là mối quan hệ dân sự trong quan hệ thương mại”, GS Võ nhấn mạnh.

Bàn luận về vấn đề này, PGS TS Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để phát triển được loại hình bất động sản farmstay thì những dự án này cần nằm trong khu vực rừng núi hoặc vùng nông thôn có nhiều cây cối. Chính vì thế, dự án thường nằm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp nên chưa thể khẳng định được farmstay có được cấp sổ đỏ hay không. Bên cạnh đó, không ai dùng đất phi nông nghiệp, đất dịch vụ hoặc đất ở để làm trang trại cả.

Vì vậy, việc hình thành các cơ sở lưu trú trên đất của farmstay là không phù hợp, từ đó nảy sinh vấn đề có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất, xây nhà trên đất nông nghiệp…

Còn Luật sư Hoàng Bảo Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, mục đích sử dụng đất của đất nông nghiệp, lâm nghiệp là trồng nông sản, trồng rừng, trong khi farmstay có cả lưu trú, kho bãi, xưởng chế biến và diện tích thương mại… Vì vậy, nếu là dự án farmstay đúng nghĩa, buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phê duyệt.

Bên cạnh đó, thời hạn sử dụng đất của đất nông nghiệp, lâm nghiệp chỉ là 50 năm và rất khó chuyển đổi thành đất ở, đất trồng cây lâu năm, đồng nghĩa với việc rất khó để làm sổ đỏ. Vì vậy, các dự án farmstay chủ yếu chỉ có hợp đồng và cam kết thời hạn làm được sổ, nhưng không có gì chắc chắn, cũng không thể có sổ đỏ riêng cho từng chủ sở hữu. Do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng, nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư vào mô hình này. 

Đồng quan điểm, một số luật sư cũng cho rằng, đầu tư vào farmstay lúc này là vô cùng mạo hiểm và đầy rủi ro vì chưa có khung pháp lý điều chỉnh các dự án farmstay. Thậm chí, việc cam kết lợi nhuận và cam kết khi không cấp được sổ đỏ thì chủ đầu tư mua lại cũng tiềm ẩn rủi ro như condotel, officetel. Vì vậy, nếu trong tương lai farmstay dễ đi vào vết xe đổ của “người anh” Codotel.  

Theo Công Luận