Sáng 18/7, tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với 12 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

.

Một nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ nhắc đến là công tác giải ngân đầu tư công. Theo đó, Thủ tướng đánh giá công tác giải ngân đầu tư công các tỉnh miền Trung thấp, đặc biệt là giải ngân ODA “đạt mức rất thấp”. Trong khi nguồn vốn này đã có sẵn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các địa phương tại Hội nghị lần này phải mạnh dạn đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, đồng thời phải thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác giải ngân đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ước giảm 3,22% và là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ.

3 địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là thành phố Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng chính là 3 địa phương có tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng. Thương mại, dịch vụ là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, chiếm trên 42% GRDP. Trong 6 tháng đầu năm ngành dịch vụ giảm 4,81%.

Về giải ngân, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30/6/2020, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 60%.

Tỷ lệ giải ngân trên 40% có 1 địa phương là thành phố Đà Nẵng, từ 30-40% có 4 địa phương là Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên; tỷ lệ dưới 30% có Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho rằng, những ùn tắc trong giải ngân vốn đầu tư công đang gặp phải những điểm nghẽn như thủ tục, giải phóng mặt bằng chậm trễ… Do đó cần sớm “giải toả” những vấn đề này, đồng thời tập trung vốn cho dự án nào tốt để tạo sức lan toả, với những dự án trì trệ hoặc không làm được thì dừng lại.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị từng địa phương phải họp bàn để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đẩy mạnh công tác truyền thông để khơi dậy ý chí, khí thế của nhân dân, phát huy tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của mọi người, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của toàn vùng cũng như từng địa phương trong thời gian tới.

Theo Công Luận