Nâng tầm sản vật quê hương Bắc Giang

Năm 2018, chị Hồng Vân nghỉ việc ở một Tổ chức tín dụng nước ngoài để khởi nghiệp với xưởng sản xuất những sản phẩm là nông sản Việt như: Bánh đa quê gạo lứt và vừng rang, bánh phồng gạo mè đen taiki, bơ đậu phộng lacta, mạch nha nếp, chè lam gấc, bánh quế thảo dược, mỳ chũ, mì tảo xoắn.....

Chính từ câu chuyện từ thuở ấu thơ đã khiến chị nung nấu ý tưởng nâng tầm sản vật quê hương Bắc Giang đến với người tiêu dùng nhiều hơn. “Ngày nhỏ, trong xóm, cứ nhà nào bán lợn thì sẽ mua bánh đa tặng bà con hàng xóm xung quanh, đây như là sự kiện, được tặng món quà quý, chiếc bánh đa gắn liền với kỷ niệm đặc biệt đó”, chị Hồng Vân tâm sự.

Với mong muốn mang đến cho mọi người một món ăn đảm bảo cả về mặt dinh dưỡng lẫn sức khỏe nhất là đối với trẻ em, tương lai của đất nước. Chị Hồng Vân luôn tâm niệm: “Sức khỏe người dùng là ưu tiên hàng đầu”.

Các sản phẩm của chị Hồng Vân đều 100% sử dụng nguyên liệu thuần tuý có nguồn gốc tự nhiên như: Gạo quê, gạo lứt vàng, gạo lứt thảo dược, gạo nếp cái hoa vàng, vừng đen, vừng vàng Nghệ An, lạc ta (đậu phộng), mật ong, mầm lúa, mật mía, gấc tươi, gừng, muối biển, nước sạch, dầu thực vật…

Không những thế, để tạo ra vị mặn của sản phẩm chị dùng muối biển tự nhiên được lấy từ vùng Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình – Nơi đây có đền thờ Bà Chúa Muối, với người dân có hàng trăm năm lưu giữ nghề làm muối cổ truyền. Không sử dụng chất bảo quản, chất tạo vị nên các sản phẩm truyền thống thường để được rất lâu mà lại mang đến hương vị quê hương đặc trưng vùng miền.

Sản phẩm truyền thống đang bị mai một

“Sản phẩm truyền thống đang bị mai một dần bởi những mặt hàng nhập khẩu hoặc không còn được yêu thích như xưa. Mong muốn của tôi được giữ lại nét xưa truyền thống cho các sản phẩm quà vặt Việt”, chị Hồng Vân chia sẻ.

Vì yêu thích những trải nghiệm tự tay làm, để học hỏi được nhiều thứ trên nhiều phương diện. Cùng với đó là việc sinh hai bé trai nên chị Hồng Vân luôn tìm hiểu các sản phẩm tốt cho sức khoẻ của cả gia đình, sử dụng các phương pháp tự nhiên, an toàn khi các con bị ốm mà không dùng đến kháng sinh.

Ngay cả trong bữa ăn hàng ngày, chị Hồng Vân cũng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thực vật, chế biến ngon và trình bày bắt mắt khiến kích thích “cơn thèm” ăn của các thành viên trong gia đình.

Theo chị Hồng Vân, gạo lứt được người Việt Nam sử dụng rất nhiều, không chỉ đơn giản là nấu cơm ăn mà gạo lứt có thể làm bánh đa, bún khô,… Với cách làm đa dạng gạo lứt để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, chị Hồng Vân đã khiến khách hàng tin yêu và sử dụng sản phẩm của mình.

Người hiện đại bây giờ rất thích sự tiện dụng, bánh đa không được nướng sẵn nên chị Hồng Vân đã nghĩ ra việc nướng bánh đa sẵn và đi hướng chính ngạch tiếp cận vào các siêu thị lớn và các chuỗi thực phẩm sạch.

Là một người con của đất Bắc Giang nổi tiếng với bánh đa kế nên chị Hồng Vân cũng lựa chọn sản phẩm đặc trưng của quê hương để khởi nghiệp. Bánh đa chị làm ra kích thước chỉ bằng 1/3 bánh đa Kế, bánh đa kế bình thường chỉ cho túi nilong và buộc dây chun, khiến chiếc bánh rất nhanh ỉu. Riêng với bánh đa của chị Hồng Vân được nướng bằng máy bọc trong túi nilong hàn kín, giữ nguyên được độ giòn, độ ẩm thấp nên bánh để trong thời gian lâu hơn.

Với mô hình sản xuất chú yếu sử dung máy móc, các sản phẩm nông sản do chị Hồng Vân làm ra đều hướng tới là sản phẩm sạch, an toàn. Đầu tiên, mua thóc, xay rối, bỏ trấu, ngâm, xay gạo bằng máy hấp, chín bánh mang ra khu vực phơi ở mái có nhà kính phủ màng, bánh được cho vào nướng trong lò, ra thành phẩm là có thể đóng gói được.

Khó khăn không khiến người phụ nữ chùn bước

Những tưởng các công đoạn để cho ra một chiếc bánh đa đơn giản như vậy nhưng lại khiến cho chị Hồng Vân chật vật với những ngày bắt tay vào làm mẻ đầu tiên. Chị đã từng phải bỏ đi 4 – 5 tấn gạo mặc dù đã từng tìm hiểu rất kỹ về quy trình sản xuất sản phẩm nhưng chị cũng không tránh khỏi việc thất bại.

Bánh khi được nhà sản xuất máy móc làm thử nghiệm thì khá ổn, tuy nhiên sau khi kỹ thuật viên ra về, thay đổi thời tiết một chút thôi, trời chuyển gió mùa thì bánh nứt hết phải bỏ đi. Hoặc những chiếc bánh mới làm ra trong ngày, vào trời mưa cũng bị chua. Những chiếc bánh đầu tiên đó gặp rất nhiều lần bị hỏng như nứt, dày mỏng không đều, nướng bị trai, cháy,…

Sau gần nửa năm chị Hồng Vân mới làm được những chiếc bánh ưng ý sau những lần hỏng. Hiện tại, chị Hồng Vân tập trung bán cho tốt sản phẩm của mình và nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Với bước đi chắc chắn hơn, hiện trong danh mục đã có thêm các sản phẩm khác, nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh nguyên liệu Hạt gạo. Chị Hồng Vân chưa vội thử sức với các sản phẩm khác vì quá trình để làm nên một sản phẩm hoàn thiện thì phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng tránh hao phí.

Không chỉ gặp khoảng thời gian khó khăn với vốn đổ vào nhiều mà sản phẩm liên tục hỏng, chị Hồng Vân từng có thời gian phải đi quãng đường gần 200km hàng ngày để từ nhà ở Hà Nội lên xưởng tại Bắc Giang để theo sát quy trình sản xuất. “Lúc nào tôi cũng căng thẳng về mặt thời gian, khi đó đứa nhỏ mới được 10 tháng tuổi, đứa lớn đi mẫu giáo. Gia đình không ủng hộ vì quyết định quá liều lĩnh và sợ tôi vất vả, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm”, chị Hồng Vân chia sẻ.

Mặc dù con vẫn còn nhỏ nhưng chị Hồng Vân vẫn quán xuyến được cả hai việc gia đình và lĩnh vực khởi nghiệp. Là một người phụ nữ khởi nghiệp ở lĩnh vực mới với bản thân, chị Hồng Vân thấy thực sự vất vả hơn những gì mình đã tưởng tượng nhưng chị đều vượt qua được.

Hiện tại các mặt hàng của chị đã có ở tại Vinmart, C.o.op mart,…


Theo Kinh Tế Chứng Khoán