Ảnh minh họa (nguồn internet)

Với 12 phiên tăng trần liên tiếp từ đầu tháng 8 đến ngày 18/8/2020, giá cổ phiếu QNC của CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (HNX: QNC) đã tăng từ 3.300 đồng lên 9.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng gần gấp 3 lần chỉ trong vòng nửa tháng.

sắc tím chỉ kết thúc khi mã bước sang phiên giao dịch ngày 19/8 và kết tại giá sàn trước khi ổn định trở lại tại phiên cuối tuần trước.

Bước vào phiên giao dịch ngày 24/8/2020, cổ phiếu QNC giảm nhẹ 1,3% còn 7.600 đồng với thanh khoản tạm tính lúc 10h đạt 35.000 đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu QNC các phiên gần nhất

Được biết, giá cổ phiếu QNC tăng trong giai đoạn vừa qua có thể một phần đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020 của công ty. Cụ thể, công ty đạt doanh thu thuần 6 tháng là 712 tỷ đồng - tăng 22,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gấp 5 lần nửa đầu năm ngoái lên trên 61 tỷ đồng chủ yếu nhờ chi phí giá vốn giảm. Kết quả này cũng giúp công ty vượt xa kế hoạch về lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ sản xuất kinh doanh xi măng vẫn đóng góp khoảng 60%, đạt 430 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu sản xuất than, than giao thầu, sản xuất đá và thương mại. Phía công ty cho biết, lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm tăng mạnh do công ty tiết giảm và sử dụng hiệu quả điện năng, giảm chi phí đồng bộ trong các khâu sản xuất, đầu tư mới, thay thế và nâng cấp máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất...

Dù kết quả kinh doanh khá khả quan song cổ phiếu QNC hiện vẫn nằm trong diện bị kiểm soát từ 18/6/2018 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016, 2017 tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của công ty là số âm.

Tương tự là cổ phiếu HCI của CTCP Đầu tư Xây dựng Hà Nội - Hanic (UpCPM: HCI). "Hành trình" tăng giá của HCI (sau khi duy trì giao dịch ở mức 10.800 đồng/cổ phiếu trong thời gian dài) đã bắt đầu tăng đột biến từ ngày 24/6/2020 với 9 phiên tăng trần trong tổng số 11 phiên giao dịch. Chuỗi này giúp HCI xác lập đỉnh mới ở mức 37.400 đồng/cổ phiếu (đóng của phiên giao dịch ngày 8/7/2020), tương ứng mức tăng gần gấp 3,5 lần. Từ đó đến nay HCI vẫn duy trì mức giá này.

Nhà đầu tư không chú ý tới cổ phiếu HCI vì thanh khoản rất thấp, thậm chí có những chuỗi ngày dài không có cổ phiếu khớp lệnh.

Bước vào phiên giao dịch sáng ngày 24/8, mã này tiếp tục duy trì trạng thái bất động và k có giao dịch.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu cũng được ghi nhận giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Những cổ phiếu thuộc nhóm này có thể kể đến như mã MBG của Tập đoàn MBG (HNX: MBG). Cổ phiếu này đã giảm từ vùng giá xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2020 xuống quanh vùng giá 5.300 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Trong nửa đầu phiên giao dịch sáng ngày 24/8, mã bất ngờ xuất hiện mức giá trần (+9,6%) lên mức 5.700 đồng; khớp tạm tính đạt gần 900.000 đơn vị

Tương tự, cổ phiếu TNI của Tập đoàn Thành Nam (HOSE: TNI) bắt đầu giảm sàn từ 1/6/2020 với 17 phiên giảm sàn trong tổng số 22 phiên giao dịch trong tháng 6, đưa giá cổ phiếu TNI từ mức 12.200 đồng/cổ phiếu xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Còn hiện tại TNI đã giảm sâu thêm, về vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu. "Điểm cộng" là thanh khoản cổ phiếu TNI rất lớn.

Ngoài ra, cổ phiếu API của CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (HNX: API), cổ phiếu HCS của CTCP Thông tin Tín hiệu Đường sắt Hà Nội, LM7 của CTCP Lilama 7... cũng là các đại diện kém may mắn trong danh sách này.


Theo Kinh Tế Chứng Khoán